ĐẢO THẠNH AN VÀ CHUYẾN ĐI MỘT MÌNH
- jhanhdung
- Apr 3, 2021
- 11 min read
Updated: Dec 24, 2022
Mình là người thích chầm chậm từng bước từng bước nghiên cứu, sắp xếp, tính toán khi quyết định làm một điều gì đó. Gọi đúng ra là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Chuyến đi này cũng vậy. Ý tưởng về nó mình có từ rất sớm, nhưng mãi mấy tháng sau (hay cả năm, mình không nhớ nữa) mình mới thực hiện.
Ủa đi một mình chi dợ?
Chỉ là mình muốn đi đâu đó một mình. Muốn thử cảm giác rằng đến một nơi xa lạ, không ai quen biết. Mình sẽ không biết làm gì, không biết chia sẻ cùng ai, không mạng xã hội, không internet, thật sự “một mình”. Ý tưởng ấy cứ ấp ủ trong đầu như thế mà chưa thành hình gì cả. Vài tuần sau, trong lớp “Journey to the inside”, mình có kể ý tưởng này với chị Ly (là coach của lớp) thì được tạo thêm một mớ động lực. Ừ, phải đi một mình một lần để quan sát thân và tâm như thế nào. Chị còn đi Mỹ một mình, hay ho lắm! Chị bảo được thì đi xa xa ra nước ngoài, nơi không nói tiếng việt ấy, đó mới thực sự xa lạ. Đi Thái Lan hay Malay chẳng hạn mà lỡ có sa cơ thì người thân hay bạn bè qua cứu cánh được. Hồi đó mới tròn đôi mươi, thiệt hổng dám đi xa thế, cũng không có tiền nữa. Thôi nhịn lớn lớn hơn rồi đi như thế. Bây giờ thì nhịn tới 2 năm sau rồi mà vẫn chưa đi được, chắc chưa đủ duyên.
Ủa sao đi Đảo Thạnh An?
Vì nó gần và tiện. Hồi đó, mình chưa đi xe máy, nên tìm kiếm nơi chỉ cần đi bộ vòng vòng khám phá, phương tiện di chuyển ổn thì mình đi. Cả cuộc hành trình mình đi bằng 4 phương tiện: xe buýt, phà, thuyền cá và đôi chân. Thời gian đi tầm 3 tiếng, lúc đó mình ở Bình Thạnh. Bên cạnh đó, chuyến hành trình với tâm thế là đi để “trốn thế giới” nên giả dụ ai hỏi “Mày đi đâu” trả lời “Ra đảo” nghe ngắn gọn mà truyền tải đủ cả cái lý do luôn rồi. Chợt nghĩ, mình sẽ “vào rừng” để “trốn thế giới” lần sau nhỉ, cho có đôi có cặp với “ra đảo”.
Ủa rồi đi như thế nào?
Đi dễ lắm. Để chỉ cho. Vì mình đi một mình mà nên đâu có dại mà chọn con đường thiếu an toàn với lại ngoằn nghoèo. Mình nghĩ chắc không có chuyến hành trình nào mình đi mà kinh phí di chuyển lại rẻ thế: xe buýt là 3 ngàn cho vé sinh viên, phà 1 ngàn, tàu cá 10 ngàn. Đúng là lý tưởng cho sinh viên mà!
Đầu tiên, lấy bến xe buýt chợ Bến Thành làm mốc khởi hành, bắt chuyến xe buýt 20 và ngồi tới bến.
Bến phà ngay kế bến xe buýt luôn, cứ đâm theo dòng người mà đi vào thẳng bến phà, mua vé và ngồi im chờ phà chở qua sông thì mình đến huyện Cần Giờ rồi.
Rồi ngay bến phà luôn là bến xe buýt 90, leo lên và dặn chú tài xế nào tới bến thuyền ra đảo thì dừng cho xuống nhé! Thường đi xe buýt đường dài mình sẽ ngủ, đến khi linh cảm báo tới rồi thì bật dậy. Nhưng mà mình nghĩ nếu bạn có đi thì hãy ngủ chuyến 20 giữ sức và thức chuyến 90. Vì chuyến 20 đi trong nội thành không khác nhau là mấy, cảnh vẫn thế người người qua lại, khói bụi kẹt xe, hàng quán. Chuyến 90 là đi trong huyện Cần Giờ nên có sông này, rừng này, ngắm cảnh thích thú lắm.
Đoạn xe buýt 90 dừng cách bến tàu ra đảo tầm 1km, bạn có thể đi bộ hoặc đi xe ôm. Ban đầu mình không biết, xem “rì viu” thì bảo xe buýt dừng ngay bến. Nên khi bác tài xế dừng xe bảo tới rồi đó, mình hoang mang cực độ. “Ủa bến đâu, thuyền đâu mọi người, đến vũng nước còn không thấy nữa” Chưa kịp gì thì chú xem ôm lại chào mời. “Con con, lên xe chú chở ra bến nè, trong kia lận, xa lắm, con đi bộ không nổi đâu”. Trẻ người non dạ nên mình tin và chú phóng cái èo 30s là tới. Thế nên, đường về mình chọn đi bộ, phong cảnh cũng khá hữu tình.
Rồi đây, gần đến rồi đây, ở bến này vừa có tàu siêu tốc ra Vũng Tàu vừa có tàu cá ra đảo Thạnh An. Thế nên đến đây, với một con người chóng vánh vội vã, bạn có thể đổi hướng bắt tàu ra Vũng Tàu chơi cũng được. Người ta bảo ngồi đầu mũi tàu sóng dập dễ say, mình cũng tính chui vào trong hầm tàu cho lành. Nhưng vừa lò đầu vào thì đứng hình 3s vì ngộp, không thở được. Mình thà say tàu còn hơn chui vào không gian hẹp thiếu không khí thở. Nhưng mà không hiểu sao không say mọi người ạ, nắng sói trán thôi. Ngồi đầu tàu gió phà phà vào mặt, mặt nước dập dềnh, thấy đảo dần dần lộ ra, cũng thú vị. Đi tàu cá tầm 30ph là đến đảo. Taddaaa. Vâng đây là đảo Thạnh An, một cú tát vào mặt khi lần đầu đến một hòn đảo, cũng ở biển, nhưng không hề có bãi cát. Nó như một làng chài mọc lên giữa biển. Nếu bịt mắt bạn lại, đưa bạn đến đứng giữa đảo Thạnh An thì thật sự bạn không nghĩ mình đang đứng trên một hòn đảo đâu mà là một ngôi làng đông đúc gần biển thôi.
Lên đảo có thể đi lòng vòng, ăn hải sản, ra bờ đê,... tùy chọn quẹo lựa. Hòn đảo khá nhỏ, mình đi bộ từ đầu này sang đầu kia của hòn đảo mất đâu tầm 15-20ph, đi vòng vòng tầm một tiếng hơn thì hết hòn đảo. Nếu chuyến hành trình trong ngày thì cần phải canh giờ về vì sẽ lỡ chuyến, không lỡ chuyến tàu thì cũng lỡ chuyến xe buýt 90, lỡ chuyến phà. Nếu ở lại thì cứ thong dong vì còn rừng đước, còn bãi muối, nơi mà mình chưa kịp đi.
Phiêu du trên phà
Ủa đi mang được gì về không?
Không phải ngẫu nhiên mà ông ba xưa dạy rằng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” và cũng không phải ngẫu nhiên mà người đầu tiên bước đến câu hỏi cuối cùng của Chương trình Ai là tiệu phú là Trần Đặng Đăng Khoa - một phượt thủ. Thế, mình đi đảo Thạnh An thì ngoài 1 kí cá khô mang về cho mẹ còn cả “một sàng khôn”.
Nghiệp hay độ
Chuyện tâm linh này khó giải thích nè nhưng mà thật. “Trời độ” hay “nghiệp quật” thế nào cũng được phản chiếu qua cuộc hành trình đơn thân độc mã đấy. Mình thì mình không nhận là mình sống đức độ lắm nhưng mà mình cảm thấy yên tâm với cách sống của bản thân vì sự may mắn mình nhận lại được từ chuyến đi lần này.
Đầu tiên là chuyến đi suôn sẻ. Hành trình 12 tiếng từ 6 giờ sáng ra khỏi nhà và 6 giờ tối về đến nhà. Đổi phương tiện 2 - 3 lần, đi bộ tận 12 km, từ đường bộ sang đường sông, đường sông sang đường bộ, nhưng may mắn không có sự cố gì cả. May mắn mình không phải chờ nhiều, vừa xuống chuyến này là có chuyến khác đi ngay. May mắn đường về kịp thời, không bị lỡ chuyến. May mắn không đi lạc, đi sai chuyến.
Tiếp đó là sự giúp đỡ không hề mong muốn. Mình đi xe ôm từ trạm xe buýt đến bến tàu ra đảo, mà chú xe ôm tiếc chỗ thừa, chèn thêm một anh chàng nữa chở 3 ra bến. Ra đến bến tính tiền hết 10 ngàn mỗi đứa. Thế chú thấy hai đứa đang lục lọi lấy tiền, buộc miệng “Đàn ông trai tráng, có 10 ngàn trả luôn cho con bé đi con”. Anh chàng cũng trả. Lúc đó mình chưa có tiền lẻ, mình không muốn nhận tiền người khác như thế, mình chạy lòng vòng đổi tiền, hên anh chàng đó chưa đi và mình trả lại được tiền. Khi lên thuyền, mình có bắt chuyện với bác đánh cá, nói qua nói lại cũng nhiều thứ lắm. Lúc này, mình đã thủ sẵn tiền trong tay rồi, không để ai có cơ hội trả cả. Anh thu tiền đi lại, mình đưa tiền, ảnh bảo có người trả cho rồi. Hú hồn không biết ai, thì anh thu tiền chỉ một chú khác, bạn của bác đánh cá, mình cũng có chào hỏi khi chú ấy lại nói chuyện với bác. Lúc sau, chú đi đâu đó còn mình ngồi với bác, chú trả tiền cho cả bác và mình luôn. Nhìn con người dân đảo ấy, da rám nắng, có vẻ cũng khó khăn, mình cũng không dám nhận, mình dúi tiền trả. Nhưng chú ấy điệu bộ cương quyết lắm, chỉ cười rồi phẩy tay. Thôi mình đành nhận.
Mình về mình kể chị Ly như thế, có người trả giúp mình như thế. Chị bảo, em nên nhận và cảm ơn chân thành. Đừng nghĩ rằng mình nhận không công, biết đâu đấy là lộc em xứng đáng được nhận từ những điều em làm từ trước, và đấy cũng như là tín hiệu để em biết rằng em cần cho đi sau này. Ừm, thấy sao góc nhìn của mình nhỏ bé, hạn hẹp quá, nhìn sự cho đi và nhận lại là riêng biệt ở mỗi người. Vậy đấy sau chuyến đi cho mình cái nhìn rộng ra hơn, cho đi rồi sẽ nhận lại, nhận lại thì tiếp tục cho đi, muôn hình vạn trạng lắm, mình thì cứ sẵn sàng thôi.
Hiệu ứng đám đông
Hiệu ứng đám đông ảnh hưởng đến mình thế nào? Đây là lần đầu mình đi phà và đi tàu một mình, mình cũng không biết bơi, nên có sự cố gì thì chết chắc.Thầm nghĩ trong bụng trước khi đi là không sao, mặc áo phao là nổi ấy mà. Chắc chắn mình sẽ mặc áo phao, mình khá là nghiêm túc vấn đề an toàn. Thế rồi, khi đi mới thấy, chả ai mặc cả, chả ai thấy mặc áo phao là vấn đề cần thiết. Có lẽ một ngày, họ đi qua đi lại nhiều lần. Nhiều đến nỗi mà mọi rủi ro, lo lắng của một đứa lần đầu đi như mình không còn xuất hiện. Nhiều đến nỗi việc mặc áo phao trở nên phiền phức. Và bằng chứng mãnh liệt cho việc không ai để ý đến an toàn đường biển đó là lớp bụi dày bán trên dãy áo phao. Và hiệu ứng đám đông ảnh hưởng đến mình ngay, mình không dám mặc dù trước đó rất chắc chắn. Mình không muốn màu cam lè của cái áo phao nổi bần bật giữa đám đông. Mình cảm giác sự nghiêm túc về việc mặc áo phao trước đó thành ra làm lố. Chưa kể khi lên thuyền, mình hỏi anh lái, có áo phao không sao không ai mặc hết. Mình nhận lại là ánh nhìn khó hiểu và nụ cười khẩy cùng câu trả lời “Đó, ở đó đó, nhưng mà có ai mặc đâu, đi hoài á mà có sao đâu”. Sự khác biệt là gì mà nó lấn át việc mặc áo phao - đảm bảo an toàn cho bản thân nhỉ?
Quan sát bản thân
Bạn đang chán nản với công việc nhưng vẫn phải đi làm hằng ngày? Bạn vẫn buồn sau chuỗi ngày thất tình mặc dù xung quanh biết bao niềm vui, công việc khỏa lấp? Bạn có những vướng bận trong lòng mà không thể biết đó là gì, chỉ biết là có gì đó vướng víu khó chịu? Ừm, đi một mình là cơ hội, để bóc tách từng lớp từng lớp nội tâm, đưa bạn vào nơi đáy lòng để bạn đối diện với chính mình. Đơn giản, vì đi một mình không có ai nói chuyện, chỉ có mình và mình, mình tự nói chuyện với chính mình. Một mình thì không có điều gì có thể che lấp đi cảm xúc thật sự của bạn. Bạn là chính bạn thôi, không gì có thể tác động lên nữa hết. Mình nhớ rất rõ hành trình cảm xúc của mình. Từ một tâm trạng rất vui vẻ hào hứng đầu chuyến đi, cho tới trầm tư khi nhìn nhìn ra cửa sổ xe buýt với đám rừng xanh rì, rồi bật khóc khi đối diện với bờ biển hoang vắng, và trống rỗng khi nhìn gợn nước lăn tăn trên mặt sông, đến khi về nhà thì hoàn toàn nhẹ nhàng thoải mái.
“Con gái mà đi một mình”
Ời, câu đó mình nghe tới tận ba lần, bác đánh cá, cô bán cá khô, cô nuôi hàu. Mình không biết đó là một câu hỏi mang ý quan tâm hay là định kiến trong suy nghĩ về những mối nguy hiểm dành chỉ con gái gặp phải. Mình từng gặp biến thái 3 lần, và ba lần đều xảy ra việc va chạm vào cơ thể. Bên cạnh đó, bản thân mình cũng nhát cáy. Hơn ai hết, mình suy nghĩ rất nhiều cho an toàn của bản thân, có thể đến mức thái quá. Mình chuẩn bị rất kỹ từ hành trình đến địa điểm đến thời gian, nếu bạn đã đọc đến đây thì có lẽ cũng cảm nhận được. Đó cũng là lý do khiến mình chần chừ rất lâu từ khi có ý tưởng đến khi quyết định đi thực sự. Đến khi đi, lo thì vẫn lo chứ, sợ thì vẫn sợ chứ, nhưng đi thì vẫn đi. Mình mà tiếp tục chần chừ thì không biết tới bao giờ. Cứ tiếp tục suy nghĩ về rủi ro mà con gái gặp phải khi đi một mình thì biết bao giờ mình mới xóa bỏ được nó, mọi người mới xóa bỏ được nó.
Lắng nghe con người
Mình nghĩ chuyến đi nào cũng vậy, mình cũng sẽ gặp những con người mới với những câu chuyện đời đáng nghe, đáng ngẫm. Những con người trên đảo, cuộc sống họ dựa vào hai cái nghề chính. Một là làm dịch vụ cho khách du lịch. Hai là gắn với biển. Mỗi nghề là mỗi tính cách mỗi lời nói cư xử khác nhau. Quan sát mới thấy được rằng cái nghề cái nghiệp nó ảnh hưởng con người thế nào. Lên đảo mình còn biết được người ta nuôi hàu bằng tấm xi măng. Lên đảo mình còn có một bạn đồng hành - chú chó vàng - đi với mình suốt khoảng 1km dọc bờ biển.
Bác đánh cá, như mình đã kể ở trên, là người mình nhớ nhất. Mình gặp bác khi thuyền còn 30ph nữa mới chạy, khi mình thoát cái sự ngột ngạt của hầm tàu mà ra trước mũi tàu đón gió. Bác ngồi đó trước, hút thuốc, tư lự, kế bên là túi Co.op mart trong có vài hũ sữa chua. Ngồi tầm 5 phút mình thấy chán, quay sang bắt chuyện với bác. Bác kể nhiều thứ lắm, sao bác vào thành phố, mua dăm hũ sữa chua cho con vì trên đảo không có, con gái lớn học gì ở trong thành phố, chuyện học hành trên đảo. Rồi bác hỏi mình đi đâu, “con gái mà đi một mình”. Rồi bác kể lịch sử về đảo Thạnh An. Nhà bác ba đời ở đảo làm nghề đánh cá rồi. Kêu con ngồi đây lát tàu đổi hướng nắng lăm đó sao không vào trong. Tàu chạy thì bác chỉ cái khu bác đánh cá, chỉ chỗ người ta nuôi hàu. Chỉ đảo to đảo nhỏ. Xuống tàu rồi, bác chỉ chỗ ăn, chỗ đi tham quan. Hai người tạm biệt, bác đi xa rồi còn ngoái lại nhìn coi mình đi khuất chưa. Ánh mắt khá là quan tâm coi con bé này không biết nó sẽ đi đâu và làm gì. Mình có nhờ bác chụp giùm tấm hình vì đi một mình mà, tự chụp thì không có cảnh chỉ có một cái mặt chà bá trong khung hình thôi. Bác không có điện thoại cảm ứng, có lẽ khi mình đưa cho bác là lần đầu bác cầm điện thoại cảm ứng chụp hình. Lần 1 thì bác chưa chụp được vì bấm nhầm nút. Và lần 2 thì bức ảnh đây.

Câu chuyện dài lê thê của mình đến đây là hết rồi. Mình viết ra để mình nhìn lại và có động lực đi tiếp sau 2 năm bỏ quên, để các bạn cũng thử trải nghiệm như mình. Và đi để chữa lành, để khám phá được nhiều thứ ẩn sâu bên trong chính mình.
Thân mến,
Hạnh Dung.
P/s: Bạn thân mến, mình rất vui khi bạn chia sẻ hay trích dẫn bài viết này. Thế nhưng, đừng bỏ qua tên tác giả là mình (jhanhdung) nhé! Cùng tạo nên một cộng đồng tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ nào! Cảm ơn bạn.
Bài viết dễ thương quá! Mình cũng muốn có một chuyến đi một mình giống bạn để được khuây khỏa và lắng nghe bản thân mình nhiều hơn, nhưng mình cũng nhát lắm nên mới chỉ có nghĩ thôi chứ chưa lên kế hoạch cụ thể nào cả. Mình cảm ơn bạn vì bài viết này cho mình thêm một động lực để mình lên kế hoạch cho chuyến đi của mình và thực hiện nó. Một lần nữa, cảm ơn bạn <3
Xịn nhó xịn nhó!!! Đọc xong cũng muốn thử đi “chữa lành“ 1 mình giống bà bạn tui ghê 🙆♀️
Chị chưa bao giờ đi đâu một mình và hình như chị không muốn đi một mình :)) Cùng lắm là một mình đi ăn một mình đi uống thôi