top of page

Mình học về mình

  • Writer: jhanhdung
    jhanhdung
  • Dec 26, 2022
  • 6 min read

Updated: Dec 31, 2022


Mọi người nghĩ trầm cảm là một căn bệnh. Người khác nghĩ cần loại bỏ, người trầm cảm nghĩ cần lảng tránh và giấu đi, mình thì không nghĩ vậy. Trầm cảm nghe không thoải mái lắm nhỉ, xin mượn từ Soul một từ nhẹ nhàng hơn: “tâm hồn lạc lối”. Vì tâm hồn nên là một phần trong mình, của mình. Mình không cần loại bỏ, mình không cần che giấu, mình cần chấp nhận và đưa về lại đúng đường. Mình nhận ra, con đường nào cũng sẽ rõ nếu như con đường trong tâm tỏ tường. Con đường trong tâm như đại lộ đầu tiên để dẫn đến bất kỳ con đường nào, nếu tâm hồn lạc lối thì cả phần còn lại trong bạn hay ngoài bạn đều thật như trong mây mờ.


Hơn 20 năm, mình đã học gì? Biết bao nhiêu thứ nhưng bao nhiêu phần ý nghĩa bao nhiêu phần hư vô? Cuối cùng thì sau bao nhiêu sự học: 12 năm, 4 năm, 3 tháng, 10 buổi, 40 giờ, 20 giờ... học gì được mãi? Mình chọn đó là học-về-mình, học mang ánh sáng đến mỗi khi “tâm hồn lạc lối”.


Tâm hồn lạc lối ơi…phải làm gì khi bị lạc? Mời bạn học-về-mình.


Học-về-mình đầu tiên cần biết-về-mình, nhận ra mình đang thế nào, mình có ổn không, có vấn đề nào làm mình trăn trở, liệu mình có “lạc” đâu rồi không?


Chậm. Chậm lại.


Đây có lẽ là bài học đầu tiên khi học-về-mình. Hầu như những sai lầm, những lỡ làng đều đi từ quá nhanh. Hồi nhỏ mình hay bị trêu chậm chạp. Mình không hiểu và cũng không muốn nhanh hơn nhưng chẳng thể giải thích được vì sao, rồi càng lớn mình càng biết ơn mình việc mình chậm.


Chậm cho mình cơ hội để bứt ra khỏi guồng quay của cuộc sống (đôi lúc bị cuốn theo nhưng không biết bến đỗ rồi thành lạc không hay). Chậm cho mình thời gian để phân tích xử lý biết bao sự kiện ồ ạt đến trong đời. Đó có thể là như ý, đó có thể là bất như ý, nhưng dù là gì thì chậm lại để bạn không lỡ trút cảm xúc, hành vi và suy nghĩ lên sai chỗ.


Và chậm lại để mình được quan sát.


Khi bị lạc ngoài đường, bạn chậm lại rồi bạn quan sát. Khi tâm hồn lạc lối thì đơn giản cũng thế thôi, bạn chậm lại rồi thì bạn quan sát.


Liệu bạn có nhận ra khi một cảm xúc nào đó đang lớn dần lên trong bạn? Liệu bạn có nhận ra nụ cười của bạn đang hé mở? Liệu bạn có nhận ra một trăn trở bắt đầu xoay vần trong đầu bạn? Để trả lời “Có” thì chắc chắn rằng bạn phải quan sát.


Đôi lúc mình hay chơi trò này. Mình tách mình ra để mình quan sát mình: “Ơ con bé này hôm nay tụt mood nhỉ?”, “Ơ cái bà này hôm nay cười sảng nhiều ghê?”, “Ơ vừa vui đây mà lại buồn rồi”. Việc quan sát rồi gọi tên tâm trạng, vấn đề hiện hữu cho phép bản thân mình ý thức được mình đang ra sao, mình ổn không, tâm hồn có lạc đi đâu không.


Mười vạn câu hỏi vì sao


Bạn chậm lại rồi bạn quan sát rồi bạn tìm tòi. Đặt câu hỏi chính là tấm bàn đồ để bạn lần mò lại con đường khi mình lạc lối.


Option Process (OP) là một phương pháp rất hay giúp bạn từng bước tự khám phá chính mình qua những câu hỏi. OP áp dụng hệ thống các câu hỏi của Socrates để giúp chúng ta tự tìm ra hay làm rõ những niềm tin đằng sau các cảm xúc, hành vi và giúp thay đổi niềm tin đó nếu nó thật sự khiến bản thân bất ổn.


Khi bạn quan sát đủ, bạn đã đi được cấp bậc đầu tiên của OP.


Cấp bậc tiếp theo là những câu hỏi cho bất kỳ quan sát nào bạn có được về mình. Tại sao mình cảm thấy như thế? Tại sao mình làm thế? Điều gì xảy ra nếu mình không cảm thấy điều đó hay hành động như vậy?


Và cuối cùng bậc 3 của OP đưa bạn đến khám phá những niềm tin ẩn sâu bên trong. Tại sao mình tin điều đó? Mình tin điều đó ư? Điều gì xảy ra nếu mình không tin như vậy? Niềm tin trong bạn chính là yếu tố quyết định suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của bạn. Khi nhận ra được một niềm tin nào đó, bạn sẽ nhìn thấu được chính mình. Việc thay đổi niềm tin để mình ổn hơn là điều hoàn toàn có thể tự làm được.

Kích thích - Bậc 1. Phản ứng - Bậc 2. Niềm tin - Bậc 3.

OP ý nghĩa là ở nó dựa trên nền tảng của yêu thương và chấp nhận. Không thành kiến với bất kỳ câu trả lời nào, OP giúp bạn soi chiếu chính mình, chấp nhận chính mình, chở che chính mình.


Mình tin rằng, khi bạn biết được nguyên nhân đi lạc thì bạn như đã giải quyết được gần xong vấn đề rồi.

Kể ra thế này nhưng mình vẫn chỉ là “amatuer” thôi. Chu kỳ này có thể lặp lại trong một thoáng trong một đoạn hay trong một đời. Nhưng hành trình biết-về-mình mỗi ngày trôi qua mình cảm thấy đủ đầy với những cái biết cái hay mới về mình.


Học-về-mình sau đó cần hiểu-về-mình, mình có thể tự chữa lành và mình là hướng dẫn viên tốt nhất đưa tâm hồn mình khỏi lạc lối


Câu chuyện con cá nhưng dành cho cả chúng ta


Có một chú cá sống trong một cái bể ô nhiễm. Cá thấy mình không ổn nên tìm đến nhà trị liệu.


Trong một giờ một tuần, chú cá rời khỏi bể để gặp nhà trị liệu và thấy thật hiệu quả. Mặc dù có những điều không thoải mái khi phải vượt qua, nhưng cảm giác thật tuyệt khi được ở một nơi an lành với một người thực sự thấu hiểu và không phán xét chú. Trong suốt giờ trị liệu, cảm xúc được thanh lọc và chú cá cảm thấy 'nhẹ nhàng hơn'.


Vấn đề là, ngay sau khi chú nhảy trở lại vào bể, độc tính của nước bắt đầu ngấm vào cơ thể một lần nữa. Không lâu sau, chú cá lại cần thêm một giờ trị liệu.


Nếu môi trường sống của mình không được chính mình chủ động sắp xếp để chữa lành thì mọi thứ sẽ trở nên rất khó khăn. Từ đó có thể khiến bản thân phụ thuộc vào nhà trị liệu và đôi lúc thất vọng khi tình trạng của mình không cải thiện là bao.


Khi mình coi việc trị liệu và chữa lành là thay đổi môi trường sống và lối sống của bản thân thì con đường phía trước sẽ thật an lành và vững bền. Đó không còn là một buổi trị liệu, một khóa tu, một buổi thiền tập nữa… Đó là một lối sống mà mình cần cam kết kiên trì thực hiện, vì mình và cho mình.


Chữa lành là một lối sống


Lối sống đó không phải cần bạn xóa đi tất cả mà làm lại từ đầu. Bước vào lối sống chữa lành không có nghĩa là mọi thứ cần được thay đổi cùng một lúc. Miễn là mình luôn ý thức về nó và chọn đi theo lối sống này. Bạn có thể bắt đầu từng chút từng chút một.


Vì là một lối sống, sẽ không ai giống ai, bạn có thể chọn bất cứ cách nào miễn bạn thấy ổn rồi bạn thấy vui và bạn thấy hạnh phúc. Với mình, mình chọn đó là biết ơnyêu thương để đơn giảnnhẹ nhàng.


Bất cứ khi nào mình cảm thấy có điều gì không ổn, có nỗi hoang mang nào chen ngang thì mình chọn quay về với “biết ơn” và “yêu thương”. Mình sẽ nghe thầy Minh Niệm giảng để thâm tâm được nhẹ nhàng. Mình sẽ gần hơn với thiên nhiên để cơ thể được thả lỏng. Mình sẽ viết biết ơn để trân trọng từng điều nho nhỏ. Mình sẽ nghe và đọc Ho’oponopono cho mình và cho bất cứ ai mình gửi gắm an lành.


Từng câu trong Ho’oponopono đều là những ý niệm hướng tới để chữa lành:


I’m sorry (Mình xin lỗi trước mọi điều đã và đang xảy ra, tất cả dù vô tình hay hữu lý thì đều vì mình mà nên cả). Please forgive me (Mong được tha thứ. Mình chấp nhận mà không phán xét, tha thứ để có thể nhẹ nhàng buông bỏ). Thank you (Cảm ơn, biết ơn trước mọi điều đã và đang xảy ra, tất cả đều ý nghĩa và giá trị với mình). I love you (Thương lắm, cuối cùng thì chỉ còn yêu thương ở lại).


Những điều mình chia sẻ có thể không mới, có thể bạn đã nghe qua đâu đó hay thực hành vài lần. Nhưng mong muốn nhỏ nhoi của mình là qua bài viết này một lần nữa vũ trụ gửi đến bạn một tín hiệu để bạn bắt đầu học-về-mình, quay về với bản thân - một nơi nương tựa vững bền.


Lời cuối gửi bạn: I’m sorry, Please forgive me, Thank you, I love you so much!


Thân mến,

Hạnh Dung.


P/s: Bạn thân mến, mình rất vui khi bạn chia sẻ hay trích dẫn bài viết này. Thế nhưng, đừng bỏ qua tên tác giả là mình (jhanhdung) nhé! Cùng tạo nên một cộng đồng tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ nào! Cảm ơn bạn.


Comentarios


©2021 by jhanhdung.

bottom of page