top of page

Tiếng người trong văn

  • Writer: jhanhdung
    jhanhdung
  • May 28, 2023
  • 8 min read
Khi giảng tôi hay dùng phép liên tưởng. Tôi liên tưởng đến một câu nói của đức Phật trong Kinh Pháp Cú: “Được sinh ra làm người thật là một sự hi hữu. Chớ nên để lỡ mất cơ hội này”. Vậy, được sinh làm người thật là một hạnh phúc vô song ở thể gian này. Cho nên không thể sống phí sống hoài. Tức là ta phải sống thật đẹp trong thế gian. Tức là sống là trong sách, là trí tuệ, là từ bi trong cõi đời khốn khổ này

Mình, lúc ấy, không biết tác giả là ai. Chỉ vỏn vẹn một đoạn trích dẫn vô tình vu vơ đọc được trên facebook, ấy là mình mua sách.


Mình, lúc đó, đang trong thời kỳ “cai sách”. Vì kệ sách ở nhà đã không còn chỗ chứa, vì lí do “dở hơi” bảo vệ môi trường và vì tiết kiệm, mình tự dặn lòng nếu chỉ đọc một lần rồi thôi, nhất định không mua sách giấy. Ấy thế mà lời thề lại bị phá vỡ khá dễ dàng bởi một đoạn văn của một ai đó mà mình mua không đắn đo. Đoạn văn ấy, bằng một cách kỳ diệu, đã thật “chạm” vào cái gì đấy sâu thẳm trong mình mà mình không hay, cái vùng sâu thẳm ấy tưởng nhạy cảm nhưng lại mạnh mẽ vô cùng, quật ngã lý trí khi nào không hay.


Và từng chữ từng chữ trôi qua tới khi trang cuối cùng của quyển sách gấp lại, vùng sâu thẳm ấy đã luôn đúng, đã chiến thắng toàn vẹn. Quyển sách hút trọn tâm tư mình.


Ồ thì ra là kí sự quãng đường cầm bút của tác giả.


Nguyễn Xuân Khánh, vì chữ “Xuân” mà mình mường tượng rằng tác giả là một thanh niên, vừa tích cóp được số vốn sống đủ đầy nên mượn con chữ thể hiện lẽ văn ý thơ. NHƯNG. Tác giả lại là một cây đa cây đề trong văn đàn từ thời chiến. Và… ông vừa mất hồi 2021… Hm…Sự thật đôi khi không chỉ bất ngờ mà còn ngậm ngùi.


Ông đi nhưng để lại là kho tàng chữ nghĩa, những tác phẩm nổi tiếng (mà mình chẳng hay biết cuốn nào, thiếu sót ghê, hi vọng bạn biết) như là: Miền hoang tưởng, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu thượng ngàn, Chuyện ngõ nghèo…


Tiếng người trong văn là một dòng thời gian, dòng thời gian về đời bút. Từ những ngày ban sơ khi hạt giống văn chương bắt đầu gieo vào lòng tác giả; đến khi đâm chồi, nhựa sống mãnh liệt, con chữ trào dâng; đến khi trưởng thành phải chịu phong ba bão táp để rồi trở thành cây đa cây đề để mà tiếp tục gieo mầm văn chương vào tâm hồn màu mỡ của đám trẻ.


Ấy là qua tuổi thơ thiếu thốn, giặc Pháp lộng hành. Ấy là qua thời niên thiếu kiên cường, quân Mỹ đánh phá. Ấy là qua thời chinh chiến đầy chông gai, chế độ non trẻ dễ phải tổn thương. Ấy là đến khi gạo cội, sóng vẫn dập gió vẫn quần. Một đời như thế có phải là quá giàu có rồi không, chừng ấy vốn sống kể ra phải cả một thư viện để cất giữ.


Trước đó, mình cứ nghĩ, để lại một tác phẩm là để lại dấu ấn của bản thân khi mình không còn trên đời nữa. Khi đọc xong, mình thay đổi. Như một đứa trẻ, khi sinh ra đời, khi không còn trong bụng mẹ nữa, tách khỏi mẹ, đứa trẻ ấy là một bản thể tự do và cá biệt, nó tồn tại và nó lớn lên với sứ mệnh của riêng mình, mẹ hay cha không còn có thể tác động hay thay đổi gì sâu sắc. Một tác phẩm cũng vậy, khi dừng bút, khi hoàn thiện, khi đăng đàn, nó có một đời sống riêng, một con đường riêng. Cái dấu ấn vốn nghĩ để lại qua nó ấy chỉ nằm vỏn vẹn ở tên tác giả mà thôi. Còn tồn tại với đời, trôi nổi ra sao thì là số mệnh của chính tác phẩm.


Cái Chuyện ngõ nghèo mà được tác giả thuật lại quá trình thai nghén và sinh thành trong cuốn sách này là một điển hình kể trên. Cha nào con nấy chăng? Vì người cha sinh ra ở một thời trồi sụt nên chăng đứa con tinh thần cũng chịu đời lênh đênh? Đọc về quá trình Chuyện ngõ nghèo được viết và xuất bản không khác nào dấn thân vào một chuyến phiêu lưu ly kỳ.


Vốn tên khai sinh là Trư cuồng. Vốn được sinh thành không chỉ trong eo hẹp mà còn bởi một nhà văn bấy giờ bị “treo tay” (như cầu thủ treo giò). Vì người một người cha tự do ý chí (Viết để mà viết. Viết để biểu hiện cái mình nghĩ. Sự nghĩ thì chắc không ai cấm nổi. Tôi nghĩ tức là tôi tồn tại. Chỉ có khi hết sự tồn tại mới hết sự nghĩ. Và khi đó mới thực sự hết sự viết. Vậy thì tôi sẽ viết. Viết không in [...] Chẳng ai có thể cấm tôi làm điều ấy.) nên rằng Trư cuồng vẫn được nuôi nấng và hoàn thiện trong ẩn dật. Thế nhưng, cho dù đã hoàn thiện, cuốn sách vẫn phải lênh đênh trong hơn 30 năm mới được xuất bản.


Ồ thì ra là hồi ức của tác giả về những đồng văn.


Một câu nổi nổi như vậy: “Bạn là tổng hòa của 3 (hoặc 5) người xung quanh mà bạn dành thời gian cho họ nhiều nhất”. Mình có thể không biết về Nguyễn Xuân Khánh nhưng một khi đọc sách, qua những ý nghĩ về bạn văn của ông thì mình hiểu phần nào về ông.


Đó là Trần Dần, Dương Tường, Châu Diên (ba ông bạn gọi là chí cốt). Mình đã đọc Đêm Núm Sen của Trần Dần, mình biết Dương Tường qua nhiều tác phẩm, Châu Diên thì có thể không nhiều người biết bằng hai người còn lại nhưng ông cũng sống chết với con chữ lắm.


Nếu một ngày, viết gì đó về những đứa bạn thì viết gì? Nguyễn Xuân Khánh viết về những cuộc gặp gỡ, những con dốc sự nghiệp và những suy tưởng về bạn. Mỗi người toát lên một cá tính. Nếu không đặt họ chung cùng một tác phẩm hay không nhắc tới nhau có thể mình chẳng thể nghĩ nổi họ là bạn. Nhưng có một cái giống, cái giống rất quan trọng mang họ gắn kết với nhau, đó là con chữ và thời cuộc. Bạn có thể tưởng tượng được một nhà văn nuôi ong để sống?! Người khác thì nuôi lợn trong nhà?! Người nữa thì bỏ công việc “trong biên chế” (vốn là ao ước của khối người hồi ấy) lên vùng núi để tự kiếm sống bằng mồ hôi và ngòi bút?! Cũng có thể vì thế, con chữ rút ruột mà ra của họ trở nên thật đời, thật chạm.


Hơn nữa, không biết vì bối cảnh xã hội hay thế nào nhưng các bác đều giỏi, ai cũng thông tuệ vài ngoại ngữ, ai cũng ngấu nghiến thẩm thấu hàng loạt tác phẩm nước ngoài bằng ngôn ngữ gốc, ai cũng tài giỏi. Mình xin trích một đoạn về bác Dương Tường:...Lối sống của Tường rất đáng để cho chúng ta học tập [...] Trên sáu mươi đầu sách văn học kiệt tác thế giới được anh dịch ra, rồi còn làm thơ, viết báo. Anh đồng thời là nhà văn, nhà báo, nhà phê bình, nhà thơ, nhà dịch giả. Trong lĩnh vực nào anh cũng có thành tựu, tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Đáng nể ấy chứ. Tại sao Tường lại có thể làm được nhiều việc như thế. Trong khi những kiên thức anh học được ở nhà trường chẳng là bao. Tất cả đều do anh tự học…


Thật vậy, ở trong thời loạn lạc thì làm sao có cơ hội học hành tử tế, trong lúc gạo không có vào bụng sao có thể lấp chữ vào đầu. Điều làm nên sự khác biệt của họ đều là ý chí vươn lên và tinh thần tự học. Con người phải tự học suốt đời. Muốn thành con người, con người phải tự học, tự tạo ra mình, để trở thành con người tự do và sáng tạo. Và người bạn chân ái trên con đường tự học của họ thời đấy và cũng có thể chúng ta thời giờ là sách. Châu Diên đi bộ đội khi mới 14 tuổi, đã đọc cuốn Les Misérables (Những người khốn khổ) của Victor Hugo. Trong ba lô của Dương Tường mười bảy tuổi khi đi lính luôn có cuốn từ điển tiếng Pháp Larousse dày cộp và tập thơ Con tàu say. Mỗi khi chiếm được đồn giặt, người ta ùa vào lấy súng đạn của cải, Dương Tường lục tìm sách…


Ồ thì ra là “giáo trình” cho những hậu duệ gắn với nghiệp bút.


Sau những con chữ về đời mình, về đời bạn, phần còn lại cuốn sách là dành cho đời sau.


Mình luôn thắc mắc, một cuốn sách từ đâu mà thành. Để viết được nhường này mình đuối gần chết rồi sao người ta có thể viết hoài viết mãi cả trăm nghìn từ. Cuốn sách đã phần nào giải đáp được suy ngẫm bấy lâu mà chưa có lời giải của mình.


Tới đây mình xin được trích dẫn nguyên văn những lời khuyên tác giả dành cho những cây bút hậu thế. Để lời khuyên được thuần túy, để bạn không phải vương vào góc nhìn của mình, để chúng ta cùng “tự học” và tự biến đó thành của mình.

  1. Viết tiểu thuyết khó nhất là tạo được cái không khí.

  2. Văn học muốn thành công thì phải động chạm được vào tình cảm của con người.

  3. Mỗi người viết văn phải có một vùng quê, một hậu trường, một sân sau để suốt đời người viết văn có thể đi về, có thể thuộc làu, có thể quan sát sự biến đổi của người cũng như cảnh vật. Có nhiều nhà văn xây dựng sự nghiệp của mình ở trên nền cái sân sau ấy. Tất cả các nhân vật, tất cả sách của họ đều rút ra từ cái sân sau ấy. Rút cả đời mà vẫn không hết.

  4. Thời gian suy nghĩ của người viết quan trọng nhất. Nghĩ cho thật kỹ thật sâu thì khi viết dễ dàng vô cùng. Suy nghĩ đắm đuối đêm ngày thì đầu óc như cục nam châm để những chi tiết, nhân vật, sự việc ùa về để ta vội vàng ghi chép lại.

  5. Chẳng cần đi thực tế đâu xa, chỉ cần điềm đạm sống chan hòa với người dân chung quanh, quan sát những con người và sự vật hàng ngày quanh mình cũng đủ chất liệu mà viết nên những truyện ngắn.

  6. Các cụ ngày xưa đã dạy: “Hãy đi ngàn vạn dặm, hãy đọc hàng ngàn cuốn sách, rồi hãy cầm bút viết”. Đó là hiện thực bên ngoài. Còn một hiện thực thứ hai. Đó là hiện thực bên trong.

  7. Nhà văn phải tự tạo ra mình, tự sinh nở ra mình. Không ai biết mình hơn một nhà văn biết về bản thân, hắn ta cần cái gì, thiếu cái gì, đi tìm cái gì, hắn ta phải tự biết, phải tự bổ sung những khiếm khuyết, phải chăm chắm đi về hướng mà mình đã chọn. Không ai, ngoài ta, biết giúp ta.

  8. Nguồn của nhà văn gồm hai thứ: cuộc sống và sách vở. Thiếu một trong hai nguồn khó có thể đi xa. Cuộc sống là nguồn chủ yếu. Sống nhiều và sống sâu sắc, luôn suy ngẫm.

  9. Có hai cách viết tiểu thuyết: viết bằng ý thức và viết bằng vô thức.

  10. Dân tộc có lẽ là cái mục tiêu cuối cùng của mỗi nhà văn chúng ta. Tiểu thuyết muốn thật hay nó phải hướng về dân tộc, bắt rễ sâu vào dân tộc, nhà văn phải nói lên được cái hồn vía của mảnh đất sinh ra hắn, đã bú mớm nuôi nấng hắn. Nhà văn tài năng bao giờ cũng lặn ngụp trở về từ cội nguồn.

Cảm ơn tác giả, cảm ơn cuốn sách và cảm ơn bạn đã theo dõi đến cuối bài viết này.


Thân mến,

Hạnh Dung.


P/s: Bạn thân mến, mình rất vui khi bạn chia sẻ hay trích dẫn bài viết này. Thế nhưng, đừng bỏ qua tên tác giả là mình (jhanhdung) nhé! Cùng tạo nên một cộng đồng tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ nào! Cảm ơn bạn.

Comments


©2021 by jhanhdung.

bottom of page