top of page

"Con nhà người ta" hay "Áp lực đồng trang lứa"

  • Writer: jhanhdung
    jhanhdung
  • Mar 25, 2021
  • 5 min read

Updated: Dec 24, 2022

“Con nhà người ta” là nỗi niềm chất chứa của bao nhiêu đứa trẻ con. “Con nhà người ta nó đi học điểm cao quá chừng” “Con nhà người ta đi học về là lo phụ mẹ việc nhà” “Nhìn kìa, con nhà người ta vừa học giỏi lại còn ngoan ngoãn”. Cái người mông lung vô hình, chẳng ai biết là ai đó lại là một hình mẫu lý tưởng trong mắt không biết bao nhiêu cha mẹ, là nỗi giận hờn của bao nhiêu đứa trẻ. Và mình nghĩ đây cũng là lần đầu trong đời, chúng ta đối diện với áp lực đồng trang lứa.


Khoảng trước khi lên cấp 3 (theo mình là “còn nhỏ”), như mình đã kể, áp lực đồng trang lứa với mình là cái tên “con nhà người ta”. Áp lực ấy không xuất phát từ bản thân, nó đến từ nhu cầu của người khác (là ba mẹ). Nó đúng là áp lực nhưng lại không phải là áp lực. Bởi vì nó là sự so sánh với hình mẫu đồng trang lứa tốt đẹp hơn, nó khiến mình phải theo hình mẫu đó. Mà cũng vì không nghĩ ngợi, không vấn vương thì cũng không coi là áp lực được. Chưa kể đến đó một nhân vật không ai biết là ai, tồn tại trong trí tưởng tượng của quý phụ huynh.


Rồi lên cấp 3, mình bắt đầu nhìn nhận và quan sát xung quanh. Có lẽ một phần mình do học trường chuyên, hầu như gặp ai cũng giỏi cũng hay, khiến mình muốn cạnh tranh và đặt nhiều mong ước cho bản thân. Nhưng mà áp lực, mình thấy như động lực để mình phấn đấu để đạt được mục tiêu. Bởi vì bạn cùng trang lứa bấy giờ học chung một chương trình giáo dục phổ thông, thi cử cũng giống nhau, hoạt động cũng giống nhau. Tụi mình gần giống gà công nghiệp, dạy gì học nấy, hướng sao đi vậy (cái này thì không phải trường chuyên lớp chọn nào cũng thế, lớp mình thế). Vậy nên khá đồng đều, áp lực cũng không là bao vì mình biết được tụi đồng trang lứa (tụi trong lớp ấy) đang làm gì, muốn gì.


Bức tranh rõ ràng nhất về áp lực đồng trang lứa với mình chính là môi trường đại học. Ở đây, việc ai nấy làm, mạnh ai nấy học. Vì thế, luôn có hai trường hợp hoặc vẫy vùng với tài năng và đam mê, hoặc chìm nghỉm với sự sao lãng và chần chừ. Ngồi chỗ này nghe đứa này nói về cuộc thi abc, ngồi chỗ khác nghe đứa khác nói về học bổng xyz, ngồi chỗ nọ nghe đứa nọ về việc làm def. Rồi một bầu trời hoang mang đổ xuống. “Hở, thi gì nhiều vậy?” “Hở, học bổng đâu lắm vậy?” “Hở, công ty gì lạ vậy?” và câu trả lời nhận được càng gây hoang mang tột độ “Gì, không biết á, nổi tiếng mà, đây nè, cho coi nè, xịn lắm à nha...”. Theo mình tính toán thì hơn một nửa sinh viên Ngoại thương trường mình ra làm trái ngành. Vì vậy biển trời mênh mông các công việc mà các anh chị đi trước làm, chưa kể gì đến những đứa đồng trang lứa. Thấy người này giải thưởng này cũng danh giá, người kia có học bổng kia cũng giá trị, người nọ có công việc nọ cũng xịn xò. Mình loay hoay gần 4 năm như thế ở trường đại học không mục tiêu, không định hướng rõ ràng.


Cho đến bây giờ, áp lực đâu đó thỉnh thoảng vẫn ghé chơi nhưng phần nhiều mình đã tạm biệt được với áp lực đồng trang lứa.


Mình giải quyết nó như thế nào?



Biết mặt, đặt tên


Điều cơ bản trước khi giải quyết mọi vấn đề thì cần phải nhận biết nó là gì đã. Mình cũng đã sao nhãng và quanh quẩn đủ lâu mới biết mình đang gặp áp lực đồng trang lứa. Vậy làm sao để biết chúng ta đang chìm vào cái bẫy này? Là khi mình bắt đầu tự so sánh bản thân với chúng bạn. Rồi tự đặt thật nhiều câu hỏi không thể trả lời. Chính những câu hỏi không biết trả lời làm sao ấy như bài toán đau đầu nghĩ mãi ko ra lời giải. Và áp lực hình thành từ đây chứ đâu!


Ăn và ngủ


Cách nhanh nhất để quên đi áp lực chính là tìm cách thỏa mãn bản thân và thư giãn đầu óc. Đấy với mình là ăn và ngủ. Khi ăn ngon, tận hưởng hương vị trong miệng và niềm hân hoan khi lắp đầy dạ dày rồi thì làm sao còn áp lực. Khi ngủ say, còn nghĩ ngợi được điều chi. Trừ khi bạn áp lực tới mức gặp ác mộng khi ngủ. Mình không mong tình trạng nặng nề tới mức đó đâu. Tóm lại, làm gì cũng được miễn là bạn cảm thấy vui và thoải mái ngay khi bạn nhận ra áp lực đã ghé đến.


Ngắt kết nối


Mình là một người có nội lực ở bản thân không mạnh. Vì thế khi đã gặp áp lực thì khó thoát khỏi hình ảnh thành công của người khác mà tập trung vào việc mình làm. Vậy nên cách mình chọn khá là cực đoan để chủ động ngăn cản sự xuất hiện của áp lực đồng trang lứa là ngắt kết nối. Không biết nhờ vậy hay tại vậy mình bỏ theo dõi, hủy kết bạn hay thậm chí “nghỉ chơi” kha khá. Cũng không biết nhờ vậy hay tại vậy mình như ở ẩn. Do không ít lần rảnh rang nằm lướt mạng xã hội, gặp những người tài giỏi khoe thành tích rồi tự áp lực. Sau rất rất nhiều lần như thế, mình tự đúc kết được biện pháp này, khá là hiệu quả với mình. Nó tương tự như “mắt không thấy thì tim không đau” vậy.


Nhìn nhận được giá trị của bản thân


Theo mình, đây là biện pháp vững bền nhất, như là trùm cuối của các cách đã nêu ở trên. Và mình cũng đang rèn luyện bản thân theo định hướng này. Nhưng mà khó thật đấy, đặc biệt với những thành phần lạc trôi lâu năm, khi quay về nhìn nhận giá trị bản thân thì quả thật là cả một cuộc hành trình. Dù còn lâu mới tu thành chín quả, nhưng mà mình đã thấy thoải mái hơn rất nhiều, khi hiện tại phần nào nhận ra mình là ai, mình đang làm gì, điều mình làm có ý nghĩa như thế nào với mình và người khác.


Và cuối cùng, thay cho lời kết, mình sẽ trích dẫn đôi điều về sự so sánh, cạnh tranh và vươn lên. Nó đã cho mình góc nhìn mới. Vì mình nghĩ khi có so sánh, có mong muốn cạnh tranh với người khác mới nảy sinh áp lực đồng trang lứa. Thứ nhất là của cô Nguyễn Phi Vân, trong bài viết về EMPATHY (Sự thấu cảm), có nói "Competition – cạnh tranh là cạnh tranh với bản thân, để ta tốt hơn mỗi ngày, không phải để qua mặt người khác". Thứ hai là Chị Linh Phan – một cây viết rất nổi tiếng cũng đã đề cập rằng “cuộc cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh với chính bạn”


Hi vọng bạn góp nhặt được chút gì đó ở bài viết này!


Thân mến, Hạnh Dung.


P/s: Bạn thân mến, mình rất vui khi bạn chia sẻ hay trích dẫn bài viết này. Thế nhưng, đừng bỏ qua tên tác giả là mình (jhanhdung) nhé! Cùng tạo nên một cộng đồng tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ nào! Cảm ơn bạn.


1 Comment


Bui Luna
Bui Luna
Mar 26, 2021

Bài viết hay quá! Ngày xưa mình chính là đứa "con nhà người ta" của cả xóm mình đấy, nên khi mình trượt Đại học, áp lực lên cha mẹ là rất nhiều, nhất là mẹ. Tự nhiên con mình đang yên đang lành bấy lâu học giỏi thế mà tự nhiên... cuối cùng chẳng bằng ai. Có mỗi cái Đại học mà thi cũng không xong nữa.


Từ bé, mình rất không muốn thua kém ai. Mình đã nhặt bàn phím ở bãi phế liệu của cậu để tập đánh máy vi tính nhanh nhất lớp vì nhà không có máy vi tính, mình đã tự tập bơi chỉ trong 2 buổi chỉ vì mình không có tiền để…


Like

©2021 by jhanhdung.

bottom of page